Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Có bằng cấp mà không có kĩ năng là đảm bảo cho việc thất nghiệp và nhiều người thất nghiệp là công thức cho thảm hoạ kinh tế


Theo báo cáo công nghiệp toàn cầu, số việc làm trong Khoa học, Công nghệ, Kĩ nghệ và Toán học (STEM) sẽ tăng trưởng quãng 20% nhưng số người tốt nghiệp đại học trong STEM sẽ chỉ tăng trưởng quãng 4% điều có nghĩa là việc thiếu hụt các kĩ năng STEM sẽ tiếp tục.

Tác giả viết: “Thiếu hụt người có kĩ năng trong các lĩnh vực STEM là vấn đề chính cho nền kinh tế toàn cầu vì lĩnh vực STEM tạo ra nhiều việc làm hơn tất cả các lĩnh vực khác. Công nhân STEM có thể làm được 40% tới 50% nhiều hơn những người học kinh doanh, xã hội, nhân văn, nghệ thuật, và tâm lí. Một số người tốt nghiệp STEM đã tạo ra các công ti khởi nghiệp, trở thành triệu phú và tỉ phú và công ti của họ thuê hàng trăm hay hàng nghìn công nhân, đóng góp cho kinh tế. Với thất nghiệp cao xảy ra ở mọi nước, có nhu cầu khẩn thiết để tập trung nỗ lực vào giáo dục STEM.”

Ngày nay nhu cầu căn bản là Công nghệ thông tin (CNTT) vì nó là nền tảng cho mọi lĩnh vực STEM. Trên khắp thế giới, các công ty đang dùng CNTT để tự động hoá mọi thứ nhưng không có đủ công nhân có kĩ năng để thực hiện chúng. Họ mua phần cứng, phần mềm và hệ thống nhưng không có đủ người để làm cho những hệ thống này vận hành đúng với hiệu năng. Họ cần công nhân có kĩ năng để làm tự động hoá tạo khả năng cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.”


Trong vài năm qua, nhiều nước chuyển qua cung cấp đào tạo kĩ thuật để đáp ứng thiếu hụt này. Ấn Độ lập kế hoạch để có nửa triệu công nhân CNTT có kĩ năng trước năm 2020; Trung Quốc đặt mục đích tạo ra trên một triệu rưởi công nhân STEM trước năm 2025. Các nước khác, từ Đông nam Á đến Phi châu và Nam Mĩ đều có kế hoạch cải thiện nền giáo dục của họ để tập trung vào STEM. Tuy nhiên nhu cầu công nghiệp cần nhiều hơn kĩ năng kĩ thuật vì công nhân phải có kĩ năng mềm như khả năng trao đổi, giải quyết vấn đề, và làm việc trong tổ, do đó nó đòi hỏi một hình thức đào tạo khác. 


Truyền thống giảng bài và ghi nhớ không còn tác dụng trong thời đại thay đổi nhanh chóng này vì phần lớn thông tin đều có sẵn trên Internet cho nên không cần ghi nhớ. Điều quan trọng là công nhân biết cách áp dụng, tổ chức, và làm việc trong tổ để giải quyết vấn đề. Để đạt tới điều này, công nhân phải được đào tạo rất sớm để phát triển các kĩ năng phê phán, và có thái độ học liên tục cả đời. Để làm điều này, hệ thống giáo dục phải thay đổi, bắt đầu dạy những kĩ năng đó ngay từ tiểu học, và liên tục từ trung học tới đại học.


Mặc dầu thế giới đang phục hồi với tăng trưởng kinh tế mạnh nhưng vẫn có một số lớn người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp và con số này tiếp tục dâng lên. Theo báo cáo này, có hai lí do: Thứ nhất, nhiều sinh viên không có đủ thông tin để chọn lĩnh vực học tập đúng mà thị trường việc làm cần tới, do đó họ bở lỡ cơ hội. Thứ hai, có rất nhiều đại học lợi dụng cơ hội đã tung ra nhưng khóa học cấp tốc để đáp ứng nhu cầu nhưng chất lượng đào tạo rất kém, họ phát bằng cấp bừa bãi và cho tốt nghiệp những người không có kĩ năng, góp phần gia tăng số người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp. 

Báo cáo này nói rằng một khi sinh viên tốt nghiệp, những trường này coi như việc giáo dục của họ hoàn thành. Bất kì cái gì xảy ra cho sinh viên đều ở bên ngoài kiểm soát của họ, điều này khác với cảnh quan của các trường hàng đầu nơi họ chú ý tới chất lượng của người tốt nghiệp của họ, vì có danh tiếng nào đó mà họ phải giữ.

Để giải quyết hai vấn đề này, chúng ta cần cung cấp nhiều thông tin và việc lập kế hoạch nghề nghiệp cho học sinh trung học để cho họ có thể lựa chọn các lĩnh vực học tập tương ứng. Chính phủ phải ban hành hướng dẫn nghiêm ngặt về chất lượng của giáo dục để chắc người tốt nghiệp có kĩ năng được cần để xây dựng nghề nghiệp và đóng góp cho nền kinh tế. Đầu tư vào giáo dục là chiến lược dài hạn, nơi chính phủ, trường học, công nghiệp và phụ huynh cần cộng tác để cung cấp viễn kiến rõ ràng về tương lai của đất nước.


Ngày nay phần lớn mọi người vẫn tin vào bằng cấp đại học và sở hữu một tấm bằng là mục đích tối hậu. Ít ai hiểu rằng bằng cấp đã mất giá trị và nhiều công ty không còn chú trọng đến bằng cấp như điều kiện để thuê nhân viên. Sự kiện là hệ thống giáo dục của thế kỷ 20 không còn thích hợp với nhu cầu của thế kỷ 21. Truyền thống giảng bài và học ghi nhớ để qua bài kiểm tra lỗi thời rồi. 

Mặc dầu đáp ứng nhu cầu kinh tế có thể không phải là mục đích của hệ thống giáo dục “hoàn hảo” nhưng không có kĩ năng nào đó, người tốt nghiệp sẽ không có khả năng tìm được việc làm. Nền kinh tế toàn cầu ngày nay đã làm thay đổi mọi thứ. Có bằng cấp mà không có kĩ năng là đảm bảo cho việc thất nghiệp và nhiều người thất nghiệp là công thức cho thảm hoạ kinh tế.