Ở châu Á, phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục và phát triển nghề nghiệp của con cái. Tuy nhiên, gần đây khi dạy ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, tôi đã gặp nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con cái họ đã chọn gì đó khác với điều họ muốn và họ không hài lòng.
Khi sinh viên muốn theo đuổi một lĩnh vực học tập nào đó ở đại học, một số phụ huynh cảm thấy họ phải can thiệp nếu lĩnh vực đó không phải là chọn lựa của họ. Quyết định này có thể nảy sinh từ việc thiếu thông tin về lĩnh vực học tập nào đó hay muốn con cái họ để tuân theo kế hoạch mà họ đã thiết lập trước đó . Mặc dầu nhiều sinh viên tìm lời khuyên từ phụ huynh nhưng họ tin rằng họ phải quyết định cho tương lai của họ. Đó là lí do tại sao một số phụ huynh bực bội nếu đứa con không theo chọn lựa của họ và điều này tạo ra xung đột giữa phụ huynh và con cái.
Khi tiếp xúc với những phụ huynh này, tôi thấy phần lớn là những người đã thành công trong lãnh vực nào đó và họ muốn con đi theo con đường mà họ đã đi. (Người chủ doanh nghiệp muốn con họ đi theo kinh doanh. Bác sĩ muốn con mình học Y khoa). Có những phụ huynh ngưỡng mộ nghề nào đó và muốn con họ theo nghề đó. (Họ mong ước con họ học Y khoa, Nha khoa hay Dược khoa v.v.) Họ là những phụ huynh muốn con họ chọn lựa nghề nghiệp dựa trên kế hoạch mà họ đã hoạch định từ trước, bất kể khả năng của con cái.
Trong khi gặp gỡ sinh viên, tôi thấy nhiều người không tìm hiểu, nghiên cứu gì về nhu cầu thị trường hay lập kế hoạch nghề nghiệp. Một số lớn thường đi theo chọn lựa của bạn bè. (Bạn họ học kinh tế hay văn học, họ cũng chọn kinh tế hay văn học). Một số khác ngưỡng mộ các “nhân vật nổi tiếng” và ước rằng họ có thể trở nên như vậy. (Nhiều người chọn kịch nghệ, thời trang, hay hay âm nhạc để có thể trở thành “ngôi sao điện ảnh” hay “ngôi sao nhạc rock”). Một số chọn lựa nghề nghiệp dựa trên cac xu hướng thời thượng, bất kể tới năng lực của họ. (Nhiều người chọn lĩnh vực khởi nghiệp máy tính để có thể là “Bill Gates”).
Đại học là nơi sinh viên lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho tương lai và việc tìm hiểu về nhu cầu thị trường là quan trọng. Để làm điều đó sinh viên phải có đủ các thông tin và hướng dẫn cần thiết về mọi tuỳ chọn môn học trước khi quyết định. Sinh viên phải nhìn cẩn thận vào thị trường việc làm như một yếu tố then chốt trong quyết định của họ. Tất nhiên, nhu cầu thị trường có thể thay đổi, và mối quan tâm của sinh viên cũng có thể thay đổi.
Phụ huynh và sinh viên là cần xem xét ba yếu tố: mối quan tâm, năng lực và nhu cầu thị trường trước khi quyết định. Nếu sinh viên KHÔNG quan tâm vào môn học nào đó, họ sẽ không học tốt. Nếu sinh viên KHÔNG có năng lực, họ sẽ KHÔNG đi xa và có thể thất bại. Nếu bằng cấp họ thu được KHÔNG có nhu cầu, họ có thể KHÔNG tìm được việc làm. Vì sinh viên phải quyết định về nghề nghiệp SAU khi tốt nghiệp, thảo luận về chọn lựa môn học phải được tiến hành TRƯỚC khi vào đại học, hay ít nhất cũng TRONG năm đầu tiên.
Phần lớn đại học đều có văn phòng hướng dẫn nghề nghiệp với những tư vấn chuyên môn. Đây là chỗ mà sinh viên phải đến để tìm hiểu về kĩ năng việc làm, thu được thông tin nghề nghiệp và việc làm v.v. Các phụ huynh cũng cần phải đến nơi này để biết thông tin về lĩnh vực học tập nào đó và tham dự các buổi tư vấn nghề nghiệp để biết về những cơ hội nghề nghiệp cho con cái họ. Với toàn cầu hoá, có nhiều thay đổi trong thị trường việc làm, nhiều khu vực mới, và nhiều cơ hội mà trước đây không tồn tại. Bên cạnh đó, các tư vấn có thể chỉ dẫn cặn kẽ cho phụ huynh và sinh viên các tin tức cần thiết về nghề nghiệp và thị trường.
Những người tư vấn có thể hỗ trợ cho phụ huynh tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch nghề nghiệp của con cái họ. Các phụ huynh nên biết phận biệt điều họ muốn với mối quan tâm của con cái họ và tránh sự bất đồng ý kiến không cần thiết bằng việc để các tư vấn hành động như trung gian ở giữa. Các tư vấn có thể cung cấp hướng dẫn, giải thích cho phụ huynh các môn học và nghề nghiệp liên quan, và giúp cho các phụ huynh và sinh viên thảo luận hiệu quả về chọn lựa của họ.
Bằng việc trình bày thông tin về thị trường việc làm, nhu cầu công nghiệp hiện thời cho các phụ huynh, các tư vấn có thể giúp cho phụ huynh hiểu ảnh hưởng mà họ có, đồng thời giáo dục sinh viên về các tuỳ chọn môn học. Chẳng hạn, họ có được thông tin về xu hướng nghề nghiệp trong thị trường toàn cầu, dự báo về điều gì có thể xảy ra trong tương lai. Các trung tâm hướng dẫn có thể cung cấp cho phụ huynh thông tin để giúp cho họ có một cái nhìn rộng rãi thêm về nhu cầu hiện nay. Chẳng hạn như các tài liệu hướng dẫn, các sách kỹ thuật, hay website về nhu cầu nghề nghiệp.
Hơn bao giờ hết, khi sinh viên bắt đầu lập kế hoạch cho mục đích giáo dục của họ, sự tương quan giữa sinh viên, phụ huynh và trung tâm nghề nghiệp rất quan trọng. Mặc dầu sinh viên có thể chọn lựa môn học dựa trên sở thích và khả năng của họ, thị trường việc làm đóng vai trò then chốt trong tương lai của sinh viên. Bằng việc tích hợp nhu cầu thị trường, mối quan tâm cùng năng lực của sinh viên, phụ huynh và con cái có thể đi tới một thỏa hiệp trong bản kế hoạch nghề nghiệp.
Điều quan trọng là phụ huynh cần biết lắng nghe mối quan tâm của con cái hơn là dùng quyền phủ quyết nơi sinh viên cảm thấy rằng phụ huynh hành động độc đoán. Sinh viên cũng cần biết lắng nghe mối quan tâm của phụ huynh và nhận biết tình thương của họ chăm lo về tương lai của con cái. Biết lắng nghe để thông cảm là yếu tố chính trong khi cha mẹ và con cái hoạch định kế hoạch cho tương lai.
Theo tôi thấy, phần lớn sinh viên tìm kiếm lời khuyên và sự chấp thuận của phụ huynh hơn là đi theo ý kiến của mình. Nhiều sinh viên nói với tôi rằng làm cho phụ huynh họ sung sướng hạnh phúc và tự hào là mục đích chính của họ ở đại học. Tôi tin bằng việc có văn phòng hướng dẫn nghề nghiệp cung cấp cho các phụ huynh thông tin chính xác về nghề nghiệp, nhu cầu thị trường, và lĩnh vực học tập sẽ giúp cho các phụ huynh ảnh hưởng tới nghề nghiệp của con họ tích cực hơn.