Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

"Nhập môn" là gì ?

“Nhập môn” là môn học đầu tiên mà sinh viên phải học trước khi học các môn khác. Thuật ngữ “nhập môn” nghĩa là lần đầu tiên sinh viên được giới thiệu một lĩnh vực học tập và nó giúp họ quyết định liệu họ có muốn tiếp tục học lĩnh vực này hay không. Điều này là tương tự với tình huống khi hai người gặp nhau lần đầu, bất kì ấn tượng nào họ có được từ người kia sẽ xác định ra liệu họ sẽ có quan hệ hay không. Do đó, việc dạy “nhập môn” là KHÔNG giống như việc dạy các môn khác.

Theo nghiên cứu đại học, trong số các sinh viên học lớp “nhập môn” chỉ 68% tiếp tục trong lĩnh vực đó vì một số chuyển sang các lĩnh vực khác. Tôi không ngạc nhiên vì nhiều thầy giáo dùng lớp “Nhập môn” để loại bớt sinh viên, đặc biệt những sinh viên yếu. Một thầy giáo bảo tôi: “Không phải mọi sinh viên ghi danh vào Khoa học máy tính đều sẽ học tốt, tôi thích loại bỏ một số lớn sinh viên trong lớp đầu để tôi không phải xử lí với họ về sau.” Đa số thầy giáo chia sẻ quan điểm đó và lớp “nhập môn” đã trở thành một lớp "khó" trong nhiều Đại học.


Tôi KHÔNG đồng ý với quan điểm đó. Tôi tin “nhập môn” phải là lớp thúc đẩy, khuyến khích sinh viên học nhiều bằng việc nêu ra mọi điều liên quan của lĩnh vực này trong đời sống ngày nay. Việc giới thiệu KHÔNG BAO GIỜ nên là toàn diện với các công thức phức tap hay các lí thuyết bao quát mọi thứ trong lĩnh vực nghiên cứu. Tôi đã kiểm điểm nhiều sách giáo khoa “nhập môn” và thấy rằng nhiều sách được viết theo “phong cách toàn diện” để bao quát tất cả mọi chủ đề. 

Sách giáo khoa ngắn nhất trong Khoa học Máy tính hay Kĩ nghệ phần mềm là trên 300 trang và sách dài nhất là quãng 800 trang có nghĩa là thầy giáo cần giảng dạy trên 60 tới 70 trang một tuần. Dường như là tác giả muốn “doạ” sinh viên hay cho họ tràn ngập “tri thức” trong vài tháng đầu ở đại học. Điều đó có thể giải thích tại sao một số sinh viên bỏ lĩnh vực mà họ ghi danh vào vì họ hoang mang sợ hãi và thấy nó quá khó.

Phần lớn sinh viên năm thứ nhất đều bỡ ngỡ và không quen với cách học ở Đại học nên đa số không thoải mái và ít nhiều lo lắng. Nhiều người không thể phát triển các tiềm năng sẵn có khi họ phải đối diện với những lớp "khó" và nhiều bài kiểm tra, kì thi hàng năm. Những cảm giác này tăng lên ngay từ lúc nhập học vì họ lo nghĩ về khả năng của họ và chưa đủ tự tin rằng họ có thể thành công. 

Khi sinh viên lựa chọn một lĩnh vực học tập, họ hi vọng rằng họ sẽ sẽ học được nhưng họ cũng có ít nhiều hoài nghi nào đó liệu họ có chọn đúng lĩnh vực hay không. Thay vì khuyến khích và xác nhận niềm tin của họ, một số thầy giáo phá huỷ sự tự tin của họ ngay trong lớp “Nhập môn” bằng việc làm nó khó hơn, tràn ngập quá nhiều dữ liệu và thông tin tới mức buộc một số sinh viên phải chuyển sang lĩnh vực học tập khác. Điều tệ nhất là tạo thêm sự sợ hãi vào tâm trí sinh viên về việc học. 

Thay vì khuyến khích, nhiều thầy giáo đã làm sinh viên mất tự tin và dừng tiềm năng đam mê học tập. Vài năm trước tôi đã nghe một người tốt nghiệp bình luận: “Bây giờ tốt nghiệp rồi, mọi thứ học trong trường em xin trả lại thầy, vì em không muốn ghi nhớ gì nữa.” Đó là lời bình luận thật đáng tiếc nếu nhiều sinh viên cảm thấy như thế.

Là thầy giáo, chúng ta phải biết rằng lớp “nhập môn” không thể chuẩn bị cho sinh viên mọi thứ của lĩnh vực học tập. Sinh viên sẽ học về sau trong các lớp chuyên môn khác. Mục đích của chúng ta là thúc đẩy và khuyến khích sinh viên học nhiều hơn trong lĩnh vực đó. Việc giảng dạy phải có tính cách thực tế. Chúng ta cần nêu ra các lý do chính đáng để xác nhận sự chọn lựa của sinh viên là đúng. 

Chúng ta cần cho họ một cái nhìn rộng rãi của lĩnh vực học và sự tương quan của giáo dục và việc làm trong tương lai. Do đó tài liệu nên liên quan tới nghề nghiệp và các tri thức, kĩ năng mà sinh viên phải phát triển trong lĩnh vực này. Nhiều thầy giáo cho rằng việc này không cần thiết vì sinh viên biết họ muốn gì, cần gì khi họ chọn lựa môn học. Lí do chúng ta có lớp “nhập môn” để giới thiệu cho sinh viên các kiến thức và kĩ năng mà họ sẽ học sau trong các môn học khác. Ngoài ra trong lớp “nhập môn” thường có một số sinh viên chưa quyết tâm vào một lĩnh vực học tập nào nhưng họ thăm dò, tìm hiểu và “học thử” để xem liệu họ có thể học lĩnh vực này được không? 

Tôi bao giờ cũng cho phép sinh viên trong các môn khác như kĩ nghệ điện tử, toán học, kinh doanh, thậm chí cả văn học được học lớp “nhập môn” kĩ nghệ phần mềm của tôi. Tôi muốn khuyến khích nhiều sinh viên học lĩnh vực này và kết quả nhiều người đã bảo rằng sau khi học lớp này, họ muốn chuyển sang học “Kĩ nghệ phần mềm.”

Trong khi phần lớn thầy giáo thường giảng dạy theo sách giáo khoa trong môn học này để có thể bao quát rộng rãi tất cả các nguyên lí, lí thuyết, công thức và các vấn đề khác trong lớp nhập môn của họ. Tôi thường dành nhiều thời gian hơn về thái độ, giá trị, kĩ năng chuyên nghiệp và đạo đức và một số chi tiết về thị trường việc làm mà sinh viên cần biết trước khi vào lĩnh vực này. 

Vì “nhập môn” là kinh nghiệm đầu tiên của sinh viên với lĩnh vực học tập, đó là thời gian quan trọng để thiết lập thái độ tích cực về lĩnh vực này, môi trường làm việc vv. Đó là lúc giải thích tại sao “giáo dục đại học” là quan trọng trong thế giới thay đổi này.. Tôi muốn cho sinh viên một cảnh quan rằng họ phải nhìn ra ngoài cái giá trị ngắn hạn của việc “có bằng cấp” để nhìn vào mục đích dài hạn của việc có giáo dục và đào tạo để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực. 

Tôi muốn sinh viên phát triển thói quen học tập, đam mê học tập và thái độ học cả đời trước hết. Tôi dành nhiều tuần để biết rõ về khả năng của sinh viên, kĩ năng học tập, và mối quan tâm của họ trước khi đi vào phần lý thuyết và quan niệm hàn lâm. Tôi thường đánh giá nhanh về kĩ năng của sinh viên để chắc rằng họ có thể theo đuổi lĩnh vực học tập này và có khả năng thành công; Nếu cần tôi khuyên họ nên học các môn phụ đạo để cải tiến kĩ năng.

Trong nhiều trường, lớp “nhập môn” thường được phân công cho các thầy giáo mới, ít kinh nghiệm. Đây là sai lầm lớn vì môn này dường như dễ nhưng thực ra KHÔNG dễ dạy. Mặc dầu các môn học ở mức cao hơn, phức tạp hơn đòi hỏi thầy giáo có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi tin lớp “nhập môn” nên được dạy bởi các thầy có kinh nghiệm, những người đam mê với lĩnh vực này và biết rõ về chủ đề để khuyến khích trao đổi và cộng tác giữa thầy giáo và sinh viên. 

Do đó, tại Carnegie Mellon mặc dù là Khoa trưởng một phân khoa, nhưng tôi luôn luôn dành việc dạy lớp "nhập môn" với các thầy khác vì tôi tin rằng việc một khoa trưởng nhiều kinh nghiệm có thể tạo ra sự khác biệt.